Khi mới thành lập, Công ty Cơ khí Toàn Phát chỉ tập trung sản xuất các mặt hàng máy nông nghiệp như máy nghiền, máy xát gạo. Đến năm 2005, trước yêu cầu của thị trường, công ty đã mở rộng sản xuất các mặt hàng động cơ điện.
Khi mới thành lập, Công ty Cơ khí Toàn Phát chỉ tập trung sản xuất các mặt hàng máy nông nghiệp như máy nghiền, máy xát gạo. Đến năm 2005, trước yêu cầu của thị trường, công ty đã mở rộng sản xuất các mặt hàng động cơ điện. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về tài chính, công ty vẫn tập trung đầu tư nhiều máy móc, thiết bị hiện đại như máy mài trục, máy tiện CNC, máy phay then, máy khoan ren, máy ép thủy lực, máy đúc vỏ, máy đột dập công nghệ tiên tiến của Nhật Bản. Cùng với các thiết bị hiện đại, cộng với tinh thần quyết tâm dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công ty đã sản xuất ra nhiều sản phẩm không chỉ có chất lượng cao mà còn có mẫu mã đẹp. Sản phẩm máy nông nghiệp, động cơ điện mang nhãn hiệu TOAN PHAT; VIET HUNG; TOPHACO và VINA TPCN được khách hàng ưa chuộng. Đến nay, Công ty cơ khí Toàn Phát là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực sản xuất các mặt hàng máy nông nghiệp và động cơ điện của tỉnh. Chỉ tính riêng năm 2012, công ty đã sản xuất được gần 10.000 máy nông nghiệp, gần 70.000 mô tơ điện. Kế hoạch năm 2013, công ty sản xuất 12.000 máy nông nghiệp và 75.000 mô tơ điện đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Doanh thu của công ty cũng tăng nhanh qua các năm. Năm 2011, tổng doanh thu đạt trên 30 tỷ đồng. Năm 2012, đã lên đến gần 44 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2013, mặc dù nền kinh tế chung còn nhiều khó khăn, nhưng doanh thu của công ty vẫn đạt khoảng 47 tỷ đồng.
Là một doanh nghiệp nhỏ, nhân lực khoa học công nghệ hạn chế, nhưng do nhanh chóng nắm bắt các tiến bộ kỹ thuật, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của công ty đã nghiên cứu nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật có giá trị thực tiễn, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện để mở rộng thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho đơn vị.
Một trong những Sáng kiến tiêu biểu là sáng kiến "Chế tạo hệ thống dây chuyền phay rãnh then và mặt vát trục động cơ tự động" đã thay thế bộ gá cơ bằng bộ gá thủy lực điều khiển điện, đồng thời cải tiến một số cơ cấu của máy, đưa máy về hoạt động theo nguyên lý tự động. Vì thế, chỉ cần 1 công nhân khi đứng máy và làm động tác cung cấp phôi cho máy và nhận sản phẩm hoàn thành, thay vì như trước đây, phải là 3 công nhân vừa phải cung cấp phôi, vừa phải thao tác máy nên năng suất thấp. Sáng kiến cải tiến này đã đem lại hiệu quả rõ rệt, các sản phầm làm ra đồng đều, độ chính xác cao, năng suất tăng gấp 2 lần so với trước; đồng thời tiết kiệm được điện năng tiêu thụ; người lao động không tốn sức, đáp ứng được tiến độ sản xuất và làm lợi cho công ty trị giá 300 triệu đồng. Mô hình cải tiến hệ thống dây chuyền này hoạt động không kém máy phay CNC, là loại máy đắt tiền hiện nay.
Tiếp đó là "Sáng kiến cải tiến lò tẩm sấy - nhúng sản phẩm Sit - ta- to tự động". Trước đây công nhân phải dùng tay xếp từng Sit - ta- to vào thùng chứa rồi đem nhúng từng sản phẩm vào bể sơn, sau đó mới mang đi sấy khô. Việc làm này không chỉ tốn nhiều công sức mà còn gây độc hại, sản phẩm đạt chất lượng thấp. Sau khi cải tiến dùng hệ thống palăng, cần cẩu thay cho phương pháp làm thủ công, sản phẩm làm ra có chất lượng tốt hơn. Số lao động trước đây cần tới 10 người, nay chỉ cần 2 công nhân điều khiển, không chỉ giảm được giá thành sản phẩm mà còn tránh được độc hại cho người lao động. Theo tính toán của công ty, hệ thống cải tiến này đi vào hoạt động đã tiết kiệm được 800 triệu đồng mỗi năm.
Một sáng kiến nữa cũng không thể không nhắc đến là "Sáng kiến cải tiến dây chuyền lắp ráp động cơ điện". Việc lắp ráp động cơ điện bao giờ cũng phải qua 6 bước theo một quy trình thứ tự là: ép vỏ vào Sit-ta- to, lồng dây, ép bi vào trục có chứa Sit-ta- to, đóng nắp đóng roto vào vỏ, sơn mới hoàn thiện. Trước đây, việc lắp ráp này làm theo phương pháp thủ công, nên có khi công nhân không tuân thủ theo quy trình thứ tự, làm cho sản phẩm dễ bị lỗi, hoặc việc ép vòng bi vào trục phải dùng búa gỗ để đóng thủ công bằng tay sẽ không có độ chính xác cao, hiệu quả thấp. Sau khi cải tiến hệ thống dây chuyền lắp ráp bằng phương pháp tự động, các công đoạn lắp ráp đều đảm bảo yêu cầu kỹ thuật chính xác cao và tăng năng suất sản phẩm. Các công đoạn lắp ráp của dây chuyền đều hoạt động nhịp nhàng theo quy trình, phù hợp với thời gian thao tác của công nhân khi sản phẩm được băng chuyền chuyển tới và chuyển đi. Thực hiện cách làm này còn có thể kiểm soát được chất lượng từng khâu trong quy trình lắp ráp.
Do không ngừng ứng dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật mới, nên sản phẩm của công ty ngày càng hoàn thiện và giờ đây đã có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước,từ Hà Nội, Hải Phòng đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh cho đến các tỉnh Tây Nguyên như Đắc Lắc... Đồng thời, thông qua một số doanh nghiệp khác, sản phẩm của công ty còn được xuất khẩu sang Lào, Campuchia. Ở tất cả những nơi này, sản phẩm của công ty đều được khách hàng ưa chuộng, đánh giá cao về chất lượng và kiểu dáng sản phẩm.
Với phương châm "Hướng tới khách hàng, đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết", mục tiêu hàng đầu của công ty là chất lượng sản phẩm. Do đó, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại, không ngừng cải tiến kỹ thuật, phát huy sáng kiến được công ty đặc biệt quan tâm và dành nhiều sự ưu tiên cho những hoạt động trí tuệ này. Chính vì vậy thời gian vừa qua Công ty Cơ khí Toàn Phát đã nhận được nhiều giải thưởng, nhiều bằng khen của các cấp, các ngành như: Huy Chương vàng hàng Việt Nam chất lượng cao; giải cầu vàng hội chợ triển lãm hàng công nghiệp; giấy chứng nhận sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tiêu biểu; bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công thương....và thương hiệu Toàn Phát đã trở thành địa chỉ tin cậy của người dân trong và ngoài tỉnh.