Lĩnh vực Môi trường 2012-05-23 15:24:21

Cây Dẻ - một trong những loài thực vật có giá trị cao tại đồi núi Chí Linh Tỉnh Hải Dương có nguồn tài nguyên đa dạng sinh học tập trung chủ yếu ở hệ sinh thái đồi núi tự nhiên của thị xã Chí Linh. Với mục đích duy trì và phát triển tính đa dạng sinh học hệ sinh thái tự nhiên, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã thực hiện đề tài "Khảo sát đánh giá hiện trạng các loài sinh vật có giá trị bảo tồn nguồn gien và giá trị kinh tế ở hệ sinh thái tự nhiên vùng đồi núi thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương".

Kết quả điều tra hệ sinh thái rừng tự nhiên tại các xã Hoàng Hoa Thám, Bắc An, Hoàng Tiến, phường Cộng Hòa (Chí Linh) hiện có 1.175 loài sinh vật, trong đó có nhiều loài sinh vật có giá trị về bảo tồn nguồn gien và giá trị kinh tế. Cụ thể là: đã điều tra được 580 loài thực vật, trong đó 528 loài có giá trị kinh tế và có thể sử dụng được ở các mức độ khác nhau (cây cho rau, củ, quả, cây lấy gỗ, cây làm cảnh, cây cho sợi), 18 loài có giá trị bảo tồn nguồn gien, được ghi trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007, Danh mục các loài có nguy cơ bị đe dọa như: Gụ lau, Trầm hương, Lát xoan, Tắc kè đá bon, Rau sắng... Điều tra được 33 loài thú thuộc 16 họ, 6 bộ có ý nghĩa kinh tế và giá trị khoa học cao. Tuy nhiên phần lớn những loài thú nhỏ và ít có giá trị kinh tế với người dân địa phương nên chúng sinh sống với mật độ lớn; trong khi đó những loại thú như Mèo rừng, Cầy vòi mốc, Cầy hương, Đon, Nhím đuôi ngắn thì còn lại rất ít. Kết quả điều tra đã ghi nhận được loài Dơi tai đốm vàng và Dơi mấu tai khía là hai loài dơi hiếm được ghi nhận ở Việt Nam.
Qua điều tra khu hệ chim, đề tài đã xác định được 113 loài, trong đó có 3 loài chim có giá trị bảo tồn nguồn gen ở cấp độ quốc gia, quốc tế (Gà lôi trắng, Cú lợn lưng nâu, Mỏ rộng xanh), 13 loài chim có giá trị kinh tế, như: Vẹt ngực đỏ, Chích chòe lửa, Khướu bạc má, Họa mi... Điều tra ở các khu hệ khác cũng đã thống kê được 9 loài bò sát, 2 loài côn trùng, 32 loài thủy sinh vật có giá trị bảo tồn gien và giá trị kinh tế.
Tuy nhiên, tài nguyên sinh vật rừng Chí Linh đang chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: phá rừng làm nương rẫy, khai thác sản vật trái phép, thu hẹp diện tích rừng để trồng các loại cây ăn quả và cây công nghiệp, phun thuốc trừ côn trùng gây hại cây ăn quả, dùng phương tiện đánh bắt hủy diệt đã tác động đến sự phân bố, đặc điểm sinh học của các loài sinh vật tự nhiên.
Để bảo tồn những loài sinh vật quý, Ban Chủ nhiệm đề tài đã đề xuất một số giải pháp như: quy hoạch hợp lý diện tích sản xuất lâm nghiệp cho người dân địa phương, vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên; quản lý chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về giá trị của rừng; hỗ trợ các chủ hộ được giao khoán trồng, chăm sóc rừng...
Anh Nguyên

 

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.