Các dạng bí xanh: Bí xanh có nhiều dạng. Các dạng thường trồng là:- Bí trạch: Quả thon nhỏ, trọng lượng trung bình mỗi quả là 5 - 7 kg. Quả có cùi dày, đặc ruột, Thịt quả có tỷ lệ nước ít, ăn đậm, ngọt thời gian cất trữ được lâu.- Bí bầu: Quả cong dài, trọng lượng mỗi quả là 8 - 12 kg. Quả có cùi mỏng, ruột xốp. Thịt quả có tỷ lệ nước cao, ăn có vị chua. Loại quả này có năng suất cao, nhưng khả năng cất trữ kém.- Bí lông: Quả thẳng dài, quả to như quả bí bầu, năng suất cao. Cây có đặc tính chống chịu sâu bệnh khá. Bí lông có đặc điểm là chín sớm. Sau khi gieo một tháng cây dài 50 -60 cm. Từ lá thứ 6-7 đã có quả, sau đó cứ 3-4 lá lại có quả. Quả nhiều, mỗi cây có 3-5 quả, bình quân mỗi quả nặng 2-5 kg.
2. Quy trình sản xuất rau an toàn:- Thời vụ: Miền Bắc thường có 2 vụ chính:+ Vụ thu: Gieo 20/8 – 5/10+ Vụ đông xuân: Gieo 1/12 – 15/2Ngoài ra có thể trồng thêm vụ hè thu: gieo 25/6 – 5/7, thu hoạch trong tháng 10Đối với vụ này, do trồng trong mùa mưa bão cho nên cần chú ý thoát nước kịp thời, làm giàn thấp và vững chắc.
- Giống:Lượng hạt cần gieo cho 1 ha khoảng 0,9 - 1,1 kg. Hạt nên ngâm từ 4 - 6 giờ rồi đem gieo.Hiện nay để tiết kiệm thời gian cho đất nghỉ trong tăng vụ, gối vụ có thể áp dụng phương pháp khay-bầu để gieo cây giống trên các khay nhựa 50 hoặc 70 lỗ (55cm x 40cm), khi cây có 2 lá mầm hoặc 1 lá thật thì chuyển ra đồng ruộng. Giá thể của bầu gồm 1/3 là phân chuồng hoai mục, 1/3 là mùn cưa hoặc trấu hun, 1/3 còn lại có thể gồm đất bột, phân rác, than bùn hoặc các chất xơ mục. Cứ 20 kg giá thể thì trộn thêm 1 kg supe lân. Có nhà lưới để sản xuất cây giống cho phương pháp này là tốt nhất.
- Làm đất, mật độ trồng: Đất trồng Bí xanh phải để ải, tơi xốp, sạch cỏ, không có nguồn bệnh. Nếu làm dàn nên trồng luống rộng: 1,5 - 2,0m, khoảng cách trồng 40 - 50 x 80 cm (cây cách cây 40 – 50 cm và hàng cách hàng 80cm). Nếu không làm dàn (cây bò trên mặt luống) lên luống rộng trên 3,5m, trồng 2 hàng giữa luống, khoảng cách trồng (cây x cây) 40 - 50 cm, hàng trồng cách mép luống 15 - 20cm (hàng x hàng 2,5 - 3m). Chú ý nếu trồng bí bò cần có rơm, rạ,… phủ mặt luống cho bí bò và đỡ quả.
- Chăm sóc:
+Bón phân: Phải đảm bảo lượng phân cân đối giữa N, P, K.
Lượng phân cần cho 1ha: Phân chuồng hoai mục: 15-20 tấn
Phân đạm: 250-300 kg
Phân lân: 450-500 kg
Phân kali: 250-300 kg.
Bón lót: Toàn bộ phân chuồng + lân + 1/4 kali +1/4 đạm. Bón rải đều theo rạch hàng, trộn đều ở độ sâu 15-20cm và lấp kín đất trước khi gieo hạt hoặc trồng từ bầu ra ruộng.
Thúc lần 1: Khi cây bắt đầu leo hoặc ngả ngọn bò (Sau khi cây mọc 30 - 40 ngày ). Bón 1/4 kali +1/4 đạm.
Thúc lần 2: Sau khi cây ra quả rộ, bón 1/3 kali + 1/3 đạm (số còn lại).
Số phân còn lại hòa với nước phân chuồng ủ mục, loãng dùng để tưới khi thấy cây sinh trưởng, phát triển kém.
+ Các biện pháp chăm sóc khác:
Vun lần 1 kết hợp với bón thúc khi cây 30 - 40 ngày, vun lần 2 kết hợp với bón thúc khi cây ra hoa rộ (55 - 65 ngày sau trồng). Bí xanh ra nhiều nhánh, mỗi cây cần để 1- 2 nhánh, mỗi nhánh cho đậu 1 - 2 quả, sau khi quả đậu 5 - 10 ngày có thể định quả sao cho mỗi gốc cây chỉ để 1 - 2 quả.
Nếu để bí bò, khi cây dài 60 - 70 cm, dùng dây nilon buộc dây khỏi gió lật và tạo điều kiện ra rễ phụ (bất định) tăng khả năng hút chất dinh dưỡng cho cây.
+ Tưới nước: Cần dùng nước sạch như nước giếng khoan, nước sông lớn không bị ô nhiễm để tưới. Từ khi gieo-mọc đến khi cây 4-5 lá thật, cần giữ độ ẩm đất >80% bằng cách tưới ướt mặt luống hàng ngày (nếu gieo trực tiếp). Khi cây sinh trưởng mạnh tưới vào rãnh, 5-7 ngày/lần, nước thấm đều mặt đất thì tháo cạn. Khi cây ra quả rộ không được để hạn, sẽ ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng của quả.
- Phòng trừ sâu bệnh: Thành phần sâu bệnh hại Bí xanh cũng rất phong phú nhưng mức độ gây hại, thời điểm xuất hiện phụ thuộc nhiều vào giống, mùa vụ.
Một số sâu bệnh hại chính trên Bí xanh:
1. Bọ trĩ (Thrip spp.): thường xuất hiện ngay từ khi cây còn nhỏ và mật độ tăng dần khi cây phát triển thân lá mạnh. Bọ trĩ chích hút dịch ở lá, ngọn, thân non làm lá bị xoăn, cứng và giòn. Trong năm chúng thường có mật độ cao vào các tháng 3-5 (vụ xuân hè) và tháng 10-11 (vụ thu đông).
2. Ruồi đục lá Liriomyza sativae Blanch.: sâu non nằm giữa 2 lớp biểu bì lá ăn phần diệp lục để lại đường đục ngoằn nghèo trên lá. Thường xuất hiện và gây hại suốt thời gian sinh trưởng của cây nhưng mật độ cao thường ở thời kỳ cây bắt đầu ra hoa – quả, chúng gây hại nặng vào các tháng 3-5 và 10-11.
3. Rệp Aphis craccivora Koch: Chúng thường xuất hiện trong điều kiện thời tiết khô hanh, hạn hán. Mật độ thường tăng rất nhanh do chúng đẻ ra con, trong năm thường gây hại nặng vào các tháng 3-5 và 9-11 trong năm.
4. Bệnh sương mai giả Pseudoperonospora cubensis: bệnh xuất hiện trong điều kiện nhiệt độ thấp 18-200C, trời âm u có sương mù, mưa phùn, ẩm độ cao > 80%. Gây hại cả thân, lá và thường gây hại nặng trên bầu bí vụ thu đông và xuân hè sớm.
5. Bệnh phấn trắng Erysiphe cichoracearum: bệnh xuất hiện suốt thời gian sinh trưởng của cây hại cả thân, lá và thường gây hại nặng trên Bí xanh vụ xuân hè sau đó đến thu đông sớm. Ngoài ra trên Bí xanh còn xuất hiện một số loài sâu bệnh hại khác như sâu ăn lá, ruồi đục quả, câu cấu vàng, sâu khoang, nhện đỏ, bệnh đốm lá, cháy lá vi khuẩn,... chúng cũng xuất hiện và gây hại cục bộ tuỳ theo từng mùa vụ.
Biện pháp phòng trừ tổng hợp:
* Biện pháp canh tác: Cày đất, để ải đất 2 - 3 tuần trước khi trồng. Áp dụng luân canh và xen canh triệt để, tốt nhất nên luân canh với cây lúa, luân canh & xen canh với rau họ thập tự như bắp cải, su hào, cải ăn lá,... không luân canh & xen canh với các cây cùng họ bầu bí và những cây có cùng ký chủ sâu hoặc bệnh. Bón phân cân đối, chăm sóc, tưới nước hợp lý. Sử dụng các giống kháng sâu bệnh. Thu gom, tiêu huỷ lá già, lá bệnh tạo môi trường thông thoáng, xử lý kịp thời tàn dư cây ngay sau khi thu hoạch,... Thực hiện tốt biện pháp này nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác hại của các loại sâu bệnh chủ yếu trên.
* Biện pháp sinh học: Sử dụng thuốc hợp lý, không phun thuốc trừ sâu bệnh định kỳ trên Bí xanh để bảo vệ nguồn thiên địch sẵn có trong tự nhiên, ưu tiên các loại thuốc sinh học, thuốc hoá học nhanh phân huỷ.
* Biện pháp hoá học: Theo dõi sự xuất hiện của một số sâu bệnh hại chính ở các mùa vụ đã ghi ở trên và phòng trừ chúng khi cần thiết:
Trên dưa bí vụ xuân hè chính vụ và muộn, vụ thu đông sớm thường bị một số sâu bệnh hại chính như: ruồi đục lá, sâu ăn lá, bọ trĩ, rệp, bệnh phấn trắng, bệnh virut gây hại. Vụ xuân hè sớm, thu đông chính vụ và muộn thường bị bệnh sương mai giả, bọ trĩ, rệp gây hại. Thời điểm chúng thường có mật độ cao vào khoảng 20-30 ngày sau trồng, vào thời điểm cây ra hoa, có quả rộ. Khi dùng thuốc để phòng trừ các loại sâu bệnh hại trên cần lưu ý thời gian cách ly trước thu quả đối với từng loại thuốc đã quy định. Nếu điều kiện thời tiết thuận lợi cho một trong các loại sâu bệnh trên phát triển cần thiết phải phòng trừ, cần dùng một trong các loại thuốc sau:
Các loại thuốc thường dùng trừ rệp, bọ trĩ (các loài chích hút): Confidor 100SL, Elsin 10EC, Oshin 20WP, Elincol 12ME, Trebon 30EC,...Các loại thuốc trừ ruồi đục lá: Elincol 12ME; Kuraba WP, Tập kỳ 1.8EC, ...Các loại thuốc trừ sâu ăn lá: Elincol 12ME, Pegasus 500SC, V-Bt, Cascade 5EC, Success 25SC,...Các thuốc trừ bệnh sương mai giả: Juliet 80 WP, Vicarben-S 70 BTN, Daconil 500SC, Đồng oxyclorua (Vidoc) 80 BTN. Các thuốc trừ bệnh phấn trắng: Ensino 40 SC, Daconil 75 WP, Aliette 80WP, Vicarben-S 75 BTN, Manage 5WP, Bellkute 40WP,...
Khi phun thuốc cần lưu ý: Các loại thuốc hoá học cần sử dụng đúng liều lượng, nồng độ, đúng cách theo khuyến cáo trên nhãn bao bì của từng loại thuốc.
3. Thu hoạch, đóng gói vận chuyển, bảo quản: Tuỳ theo mục đích sử dụng: tiêu dùng trực tiếp làm quả tươi, chế biến, xuất khẩu mà thu hái quả cho phù hợp.
Bảo quản, vận chuyển tránh làm giập nát, nhãn mác ghi đầy đủ thông tin sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.