Những vấn đề chung (số 5-2015) 2015-10-23 13:51:20

     Kinh Môn, huyện miền núi, nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Hải Dương, đã và đang có những bước phát triển mang tính đột phá, nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện, tạo ra những tiền đề vững chắc để sẵn sàng nâng cấp từ một huyện nông nghiệp bán sơn địa thành thị xã trong năm 2015.

Từ yêu cầu khách quan
Hiện trạng phát triển, hạ tầng kinh tế - xã hội (KTXH) trên địa bàn huyện Kinh Môn đã tạo sự thay đổi quan trọng về cơ cấu sử dụng đất và phân bố lại dân cư, lao động trên địa bàn, đồng thời đã tạo ra diện mạo đô thị mới Kinh Môn. Mô hình chính quyền nông thôn của huyện Kinh Môn trong quá trình đô thị hóa đã  nảy sinh trong các lĩnh vực như: Quản lý trật tự xây dựng đô thị, quản lý quy hoạch, quản lý sử dụng tài nguyên, thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật như giao thông, điện, nước; quản lý nhà nước về giáo dục, y tế, thương mại, du lịch, nhân khẩu, an ninh trật tự… Do vậy, việc nâng cấp huyện Kinh Môn thành thị xã sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức chính quyền phù hợp, tạo tiền đề cho Kinh Môn hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn đô thị là cần thiết khách quan.
Nâng cấp huyện Kinh Môn thành thị xã nhằm đáp ứng nhu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước theo lãnh thổ có quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh,góp phần tạo thêm động lực thúc đẩy KTXH khu vực phía Đông bắc của tỉnh phát triển tốt hơn. Cụ thể là: Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH vùng đồng bằng sông Hồng và chủ trương của Bộ Chính trị về phát triển KTXH và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội; Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH tỉnh Hải Dương giai đoạn 2006 - 2020; Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hải Dương đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch chung xây dựng và quy định quản lý xây dựng theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng đô thị Kinh Môn, tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Nâng cấp huyện Kinh Môn thành thị xã là một yêu cầu tất yếu khách quan, là tâm nguyện của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Đây là cơ hội thuận lợi khơi dậy và phát huy mọi lợi thế, tiềm năng sẵn có để Kinh Môn bứt phá vươn lên, phát triển bền vững, vì mục tiêu ngày càng nâng cao chất lượng, điều kiện cuộc sống đô thị cho nhân dân địa phương, góp phần xây dựngtỉnh Hải Dươngsớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Và những tiền đề, điều kiện
Mục tiêu của tỉnh Hải Dương phấn đấu nâng cấp huyện Kinh Môn thành thị xã Kinh Môn trước năm 2015 theo tinh thần Nghị quyết số 08 - NQ/TU ngày 22 tháng 3 năm 2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Để thực hiện mục tiêu trên, những năm gần đây huyện Kinh Môn đang có những bước tiến đột phá về kinh tế - xã hội và hạ tầng đô thị. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng KTXH ngày một hiện đại, mạng lưới y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư theo hướng đạt chuẩn quốc gia; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, diện mạo đô thị và khu vực mở rộng có nhiều khởi sắc và ngày càng khang trang. Giai đoạn 2012 - 2014, kinh tế trên địa bàn huyện Kinh Môn đã phát triển ổn định, vững chắc. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2012 - 2014 là 9,1%. Cả 3 khu vực đều tăng trưởng với tốc độ cao, trong đó công nghiệp - xây dựng đạt tốc độ cao nhất, kế đến là nông nghiệp - thủy sản và thương mại và dịch vụ. Tổng thu ngân sách huyện quản lý trên địa bàn năm 2014 là 734 tỷ đồng, phần huyện hưởng là 574,8 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách huyện năm 2014 là 447,1 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt 37,5 triệu đồng/người/năm, bằng 1.760,5 USD/người/năm. Tổng giá trị sản xuất huyện quản lý năm 2014 tính theo giá thực tế 12.393,3 tỷ đồng, Trong đó Nông, lâm, thủy sản 1.910,8 tỷ đồng; chiếm 15,4%; Công nghiệp - xây dựng 8.600,4 tỷ đồng, chiếm 69,4%; thương mại - dịch vụ 1.882,1 tỷ đồng, chiếm 15,2%. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 còn 4,09%, giảm 1,91%; hộ cận nghèo còn 3,27%, giảm 0,32% so với năm 2013.
Sau nhiều năm đầu tư cho phát triển, đến nay, huyện Kinh Môn và các xã, thị trấn dự kiến thành lập phường cơ bản đã hội đủ 9/9 tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị định số 62/2011/NĐ - CP ngày 26/7/2011 của Chính phủ về thành lập thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận, phường, thị trấn.
Đến diện mạo thị xã tương lai
Thị xã Kinh Môn thành lập trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên, dân số và số đơn vị hành chính cấp xã của huyện Kinh Môn hiện nay, cụ thể: Địa giới hành chính tiếp giáp thị xã Kinh Môn: Phía Bắc giáp thị xã Đông Triều (Quảng Ninh); phía Nam giáp huyện Kim Thành (Hải Dương) và huyện An Dương (Hải Phòng); phía Đông giáp huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng); phía Tây giáp huyện Nam Sách, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương; Diện tích 163,49 km2, dân số 163.783 người; có 25 đơn vị hành chính trực thuộc (Khu vực nội thị có 5 phường: Kinh Môn, Phú Thứ, Minh Tân, Hiệp An, Hiệp Sơn; Khu vực ngoại thị có 20 xã: Tân Dân, Duy Tân, Hoành Sơn, Long Xuyên, Thái Thịnh, Hiến Thành, Minh Hòa, Thăng Long, Lạc Long, Quang Trung, Phúc Thành, Hiệp Hòa, Thượng Quận, An Phụ, An Sinh, Phạm Mệnh, Thái Sơn, Thất Hùng, Bạch Đằng, Lê Ninh).
Khi thị xã Kinh Môn được thành lập sẽ tạo cơ hội cho địa phương tận dụng các điều kiện thuận lợi để phát triển toàn diện KTXH theo hướng đô thị, như: Đầu tư phát triển công nghiệp chế biến và các loại công nghiệp phụ trợ khác phù hợp; Phát triển tổng hợp các loại ngành dịch vụ theo hướng đa dạng hóa dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống; Khai thác tốt lợi thế về cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch và dịch vụ;Đầu tư khai thác và phát triển du lịch sinh thái; Đẩy mạnh đầu tư khai thác tiềm năng đất đai để phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa lớn;Xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp theo 11 tiêu chí;Tăng cường liên kết đào tạo nghề cho lực lượng lao động thông qua trường trung cấp nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm học tập cộng đồng ở các xã; Thực hiện việc bố trí tỷ lệ trên 5 bác sỹ và 26 giường bệnh trên vạn dân;Đảm bảo 100% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, 100% cơ sở y tế đều có hệ thống, dụng cụ thu gom và xử lý chất thải, nước thải;Phát triển đô thị Kinh Môn, chức năng của khu đô thị mới là trung tâm hành chính, công nghiệp, dịch vụ - du lịch...
Còn nhiều việc phải làm
Khi thị xã Kinh Môn được thành lập, khả năng dân số đô thị tăng nhanh, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa -hiện đại hóa…sẽ dẫn đến những vấn đề đặt ra cần phải sớm có biện pháp giải quyết, như:
Nhu cầu nhà ở, nhu cầu phát triển KTXH tăng, vì vậy sẽ có một số diện tích nông nghiệp chuyển sang mục đích đất chuyên dùng sử dụng cho việc đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ, kết cấu hạ tầng và phát triển các khu dân cư mới sẽ gây ảnh hưởng đến môi trường đất, hệ sinh thái đất mất cân bằng do bề mặt đất phủ kín bê tông.
Nhu cầu sử dụng nướctăng cao làm suy giảm chất lượng nước mặt, nước ngầm, tác động đến các hệ sinh thái xung quanh. Lượng nước thải, rác thải sinh hoạt, nước thải y tế, nước thải, chất thải rắn từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, du lịch nguy là nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường và lây lan mầm bệnh tại khu vực đô thị ảnh hưởng đến sức khỏe con người nói riêng và môi trường sinh thái nói chung.
Nâng cấp huyện Kinh Môn thành thị xã là yêu cầu khách quan của sự phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đồng thời cũng là nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân huyện Kinh Môn. Để thị xã Kinh Môn được thành lập và không ngừng phát triển bền vững theo đúng tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị, rất cần sự chung tay, vào cuộc của các cấp, các ngành trong tỉnh, đặc biệt là Đảng bộ và nhân dân Kinh Môn. Việc cần làm trước mắt là tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận và chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện tích cực tham gia xây dựng huyện Kinh Môn trở thành thị xã trong năm 2015.
Bài của Nguyễn Mạnh Thắng
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương
Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 5/2015

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.