Tin Tức Thời sự Hải Dương -0001-11-30 07:06:30

Vượt qua những khó khăn, thách thức do đại dịch gây ra, tỉnh Hải Dương đã tìm những hướng đi riêng để có sự phát triển ngoạn mục trong những tháng cuối năm 2021, khi vượt thu ngân sách khoảng gần 50% so với kế hoạch và dự kiến tăng trưởng 8,5%... Đó là những chia sẻ của đồng chí Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương về kết quả sau 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, 1 năm chống chọi với dịch bệnh và thích ứng linh hoạt để phát triển kinh tế - xã hội.

01. Đồng sức, đồng lòng chống dịch

Phóng viên: Thưa đồng chí, đợt dịch lần thứ 3 như một “phép thử” trong công tác lãnh đạo, điều hành của Đảng bộ và chính quyền tỉnh, các đồng chí đã vượt qua đợt dịch đó như thế nào?

Đ/c Phạm Xuân Thăng: Đợt dịch Covid-19 lần thứ ba đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Hải Dương vào đầu năm 2021 thực sự là một thử thách lớn, có thể nói là rất lớn. Chưa bao giờ Đảng bộ, nhân dân tỉnh Hải Dương gặp phải. Đây là một thử thách lớn về y tế do đại dịch Covid-19 nguy hiểm gây ra. Lúc đó thì cả nước đều hướng về Hải Dương, lo lắng cho Hải Dương vì thấy Hải Dương phải đối mặt với một đợt bùng phát dịch bệnh với quy mô lớn trên địa bàn tỉnh.

Khi dịch xuất hiện, lãnh đạo tỉnh Hải Dương đều đang dự Đại hội XIII của Đảng tại Hà Nội. Từ một công nhân nhà máy của Công ty Poyun đi nước ngoài phát hiện dương tính, xét nghiệm ngày đầu đã tìm ra ngay 172 người dương tính với SARS-CoV-2. Đó là một con số khủng khiếp đối với nhân dân cả nước tính tới thời điểm đó và hiển nhiên đó là một tin "sốc" đối với tất cả chúng tôi. Lần đầu tiên COVID-19 bùng phát ở một nơi có đông công nhân (có tới 2.340 công nhân trong khu công nghiệp Cộng Hòa ở TP.Chí Linh) đang làm việc. Tính đến thời điểm đó thì chưa địa phương nào từng có số lượng ca bệnh phát hiện cùng lúc nhiều như vậy.

Phản ứng nhanh trong tình huống này, ngay tại Đại hội Đảng XIII khi đó, chúng tôi đã báo cáo Thường trực Ban Bí thư, Đoàn Chủ tịch Đại hội, xin phép để hai lãnh đạo trong đoàn dự Đại hội là Chủ tịch UBND tỉnh và Bí thư Thành ủy Chí Linh (nơi ổ dịch lớn phát sinh) về chỉ đạo chống dịch ngay.

Cũng ngay tại Đại hội Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đăng ký phòng họp trực tuyến để điều hành công tác chống dịch với địa phương cho kịp tình hình. Tranh thủ từng giờ, từng phút nghỉ giữa Đại hội để nắm tình hình và điều hành, chỉ đạo. Không chỉ trực tiếp chỉ đạo bằng văn bản, liên tục họp thông qua điện thoại, cầu truyền hình trực tuyến với địa phương để chỉ đạo công tác chống dịch tại tỉnh nhà.

Trước thử thách lớn như vậy các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Hải Dương, đặc biệt là Ban Thường vụ Tỉnh ủy, rồi Ban chỉ đạo chống dịch cấp tỉnh và các cấp ủy Đảng trong toàn tỉnh đã rất nỗ lực, cố gắng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện các giải pháp dập dịch cũng như đẩy lùi dịch bệnh.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành một chỉ thị rất quan trọng (Chỉ thị số 10) về phòng chống dịch, với tinh thần xuyên suốt về phòng chống dịch là "chống dịch như chống giặc" và chủ trương nhất quán là "chủ động, sáng tạo, quyết liệt, hiệu quả", "bốn tại chỗ" và "năm rõ" (rõ việc, rõ người, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm) trong chống dịch. Đây là cơ sở quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành và phát huy tinh thần chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám quyết cho lãnh đạo các cấp khi phản ứng với những tình huống "nóng" trong vùng dịch.

Chúng tôi một mặt thực hiện tốt các biện pháp chống dịch theo như sự chỉ đạo, hướng dẫn và khuyến cáo của Bộ Y tế. Nhưng một mặt cũng hết sức sáng tạo trong việc thực hiện các giải pháp chống dịch như việc thực hiện các biện pháp truy vết thần tốc, khoanh vùng rộng, cách ly hẹp và điều trị tích cực cho nên đã hạn chế tối thiểu việc lây lan của dịch bệnh, không có một ca bệnh nào bị tử vong. Cùng với đó, trong quá trình chống dịch Hải Dương đã phát huy tốt vai trò của nhân dân, sức mạnh của nhân dân trong công tác phòng, chống dịch và nêu cao tinh thần trách nhiệm của đảng viên, gương mẫu trong công tác phòng, chống dịch để tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng, chống dịch. Qua đó, chúng tôi cũng thấy được để có thể chống dịch thành công thì cần có sự vào cuộc thống nhất, đồng bộ, quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị mà cấp ủy Đảng đóng vai trò nòng cốt và chủ chốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch và từng cán bộ, đảng viên gương mẫu nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch. Cùng với đó, phải phát huy được sức mạnh, kể cả vật chất và tinh thần của toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch và phải chống dịch với cách làm sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với diễn biến của tình hình dịch bệnh thì mới có thể chống dịch một cách hiệu quả và thành công.

02. Cán bộ nêu gương  - vấn đề tiên quyết

PV: Thưa đồng chí, đại dịch cũng là “phép thử” trong công tác cán bộ, đồng chí đánh giá như thế nào về những cán bộ “6 dám” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng?

Đ/c Phạm Xuân Thăng: Đúng là trong suốt quá trình chống dịch đội ngũ cán bộ, đảng viên của tỉnh Hải Dương, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là người đứng đầu đã bộc lộ hết tinh thần trách nhiệm, những phẩm chất vốn có của mình trong công tác phòng, chống dịch. Thông qua đó, xuất hiện nhiều cán bộ có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch.

Với tinh thần trực chiến, nhiều lãnh đạo từ tỉnh tới cơ sở không ngần ngại “lao” vào điểm nóng tâm dịch để đôn đốc, kiểm tra, giám sát chấn chỉnh, giải quyết kịp thời những việc phát sinh trong quá trình chống dịch, đưa ra nhiều giải pháp chống dịch sáng tạo, linh hoạt, dũng cảm, phù hợp với thực tiễn và đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, điều tiết việc đảm bảo an sinh, an toàn cho nhân dân và bảo đảm phát triển kinh tế. Ngay tại điểm nóng Chí Linh và cụ thể là Nhà máy Poyun Việt Nam vẫn duy trì sản xuất và xuất hàng theo tiến độ đề ra. 

Việc đưa ra quyết định "cân não" về thời điểm thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ trên địa bàn toàn tỉnh cũng đã được chúng tôi thảo luận kỹ lưỡng và bám sát sự điều hành của Ban Chỉ đạo Trung ương, khuyến cáo của Bộ Y tế nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về vật lực, nhân lực cho nhân dân là những minh chứng rõ ràng nhất cho tinh thần, trách nhiệm người đứng đầu.

Trong lúc phải đưa ra những quyết định rất nhanh, rất kịp thời để theo kịp được với sự lây lan của dịch bệnh và ngăn chặn được dịch bệnh thì một trong những phẩm chất quan trọng bộc lộ được trong đội ngũ cán bộ tỉnh Hải Dương chính là tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo và luôn dám hy sinh lợi ích cá nhân” vì trách nhiệm chung trong công tác phòng, chống dịch. Chúng tôi đánh giá rất cao nhiều đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cơ sở cho đến cấp tỉnh đã thực sự là tấm gương tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch. Chính các đồng chí đó là những người đã tạo ra cảm hứng và truyền được sức mạnh, có tính lan tỏa trong cộng đồng xã hội và trong nhân dân, để mọi người cùng chung tay phòng, chống dịch thành công.

03. Dựa vào dân để chống dịch tạo sức mạnh tổng lực để chiến thắng

PV: Để chiến thắng đại dịch, sống chung với đại dịch và thích ứng linh hoạt để phát triển kinh tế, tỉnh Hải Dương đã phát huy sức mạnh nội sinh, tinh thần đại đoàn kết của Nhân dân như thế nào?

Đ/c Phạm Xuân Thăng: Trong đợt dịch thứ ba hồi đầu năm và trong thực tiễn chống dịch cho tới tận bây giờ, cá nhân tôi cũng như là lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã rút ra bài học kinh nghiệm rất sâu sắc, đó là nếu chúng ta coi cuộc chiến chống dịch là một cuộc chiến tranh với kẻ thù vô hình thì phải coi việc phát huy sức mạnh nhân dân trong công tác phòng, chống dịch với tính chất như một cuộc chiến tranh nhân dân, huy động sức mạnh của toàn dân, toàn diện, với cách làm linh hoạt, sáng tạo để chúng ta chống dịch.

Thực tiễn Hải Dương đã cho thấy, cùng với sự lãnh đạo quyết liệt, thống nhất, đồng bộ, thần tốc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, của Ban chỉ đạo các cấp thì việc phát huy vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân, của cộng đồng xã hội có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phòng, chống dịch và mang tính quyết định thắng lợi của việc dập dịch. Ở đây có thể kể đến là chúng tôi đã vận động nhân dân phát huy vai trò tích cực và tự giác của nhân dân trong việc thực hiện các biện pháp 5K về phòng, chống dịch. Đặc biệt là việc đã thành lập và duy trì hoạt động tốt của 11.000 tổ COVID cộng đồng với 22.000 thành viên là những người hằng ngày tham gia phòng, chống dịch ngay từ các hộ gia đình, các khu dân cư, các tổ dân phố và rất hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch.

Ngay từ cơ sở, chúng tôi đã huy động được sức mạnh của cộng đồng xã hội, của nhân dân trong việc đóng góp không những là công sức mà cả tiền bạc, vật chất để tạo nên sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng, chống dịch mà Hải Dương đã vượt qua đợt dịch thứ 3 và nhân dân tiếp tục đoàn kết, kiên cường chống dịch cùng chính quyền các cấp trong đợt dịch thứ 4 đang diễn ra.

Có thể nói là nhờ hai yếu tố quan trọng: Thứ nhất là chúng tôi khẳng định là nhờ tinh thần lãnh đạo chủ động, quyết liệt, sáng tạo, thống nhất, đồng bộ của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh cho đến cơ sở. Yếu tố thứ hai là phát huy tốt vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân và đặc biệt là vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội cho tới từng tổ dân phố, từng tổ công tác. Ban công tác Mặt trận đã cùng với hộ gia đình phát huy được sức mạnh của toàn dân trong công tác phòng, chống dịch và biến cuộc chiến chống dịch này thành cuộc chiến tranh nhân dân và huy động sức mạnh toàn dân trong công tác phòng, chống dịch. Cho nên chúng tôi đã sớm vượt qua dịch bệnh và để tạo ra được sự ổn định như ngày hôm nay.

04. Những “điểm sáng” trong bức tranh kinh tế

PV: Thưa đồng chí, nhìn lại 1 năm vượt khó, 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, đồng chí đánh giá như thế nào về những kết quả đã đạt được, tính tới thời điểm này? Những điểm sáng của kinh tế của Hải Dương trong năm qua xoay quanh 4 trụ cột chính?

Đ/c Phạm Xuân Thăng: Với thách thức đặt chúng tôi ngay từ đầu năm 2021 thì chúng tôi xác định lấy chủ đề của năm là “Năm vượt khó, tăng tốc” và trong suốt cả năm qua, với tinh thần đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền cũng như nhân dân Hải Dương đã hết sức nỗ lực, cố gắng để vượt qua khó khăn, thách thức. Khó khăn ập đến ngay từ đầu năm do đợt dịch thứ 3 gây ra, do đó, ba tháng đầu năm, tổng sản phẩm kinh tế của tỉnh Dương là tăng trưởng âm. Hết 6 tháng đầu năm thì tổng sản phẩm mới tăng trưởng được 3,9 %, trong đó vẫn có lĩnh vực tăng trưởng âm như là lĩnh vực kinh tế dịch vụ (-0,7%).

Với tinh thần “tăng tốc” của 6 tháng cuối năm đã có những dấu hiệu rất tích cực và những điểm sáng, những cái gam màu sáng trong bức tranh kinh tế chung của tỉnh Hải Dương.  Tính đến cuối tháng 11, Hải Dương cơ bản đã đạt được các mục tiêu tổng quát và nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2021 đã đề ra, trong đó vượt 9/14 chỉ tiêu chủ yếu. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 8,58%. Dự báo hết tháng 12 thì có thể tăng trưởng ở mức 8,6 % (trong khi đó, kế hoạch đặt ra là 8%).

Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 20.717 tỷ đồng, tăng 6,8% so với năm 2020; tổng giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng ước đạt 287.540 tỷ đồng, tăng 10,7% so với năm 2020. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 7,1% so với năm trước.

Cùng với đó, thu ngân sách năm nay cũng rất tốt. Dự kiến đến hết năm 2021, tỉnh Hải Dương sẽ vượt thu ngân sách ước đạt 19.290 tỷ đồng, tăng khoảng gần 50% so với kế hoạch, so với cùng kỳ năm ngoái thì sẽ vượt khoảng 14 %. Đây có thể nói là hai thông số hết sức quan trọng, đánh giá, ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của tỉnh Hải Dương trong lĩnh vực phát triển kinh tế.

Trên lĩnh vực an sinh xã hội, mặc dù Hải Dương trải qua đợt dịch thứ ba rất nặng nề và tiếp tục trải qua đợt dịch thứ tư, việc phải chi phí một lượng kinh phí rất lớn cho công tác phòng, chống dịch cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, với các giải pháp rất quyết liệt, hiệu quả của tỉnh thì đời sống nhân dân vẫn được đảm bảo, có những mặt có bước phát triển; các đối tượng gặp khó khăn do bị ảnh hưởng, tác động của dịch bệnh đều được hỗ trợ một cách kịp thời.

4 trụ cột kinh tế của tỉnh Hải Dương theo định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đều có những bước phát triển tốt. Trụ cột thứ nhất về phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ thì chỉ số công nghiệp ước tăng trưởng 12%. Đây thực sự là động lực quan trọng để thúc đẩy kinh tế của tỉnh Hải Dương đạt được sự tăng tốc như trong thời gian vừa qua. Cùng với đó tỉnh đã hoàn thiện thủ tục đầu tư 4 khu công nghiệp, triển khai mới 2 khu công nghiệp với tổng diện tích hạ tầng cho thuê gần 1.100 ha; cùng với việc quy hoạch đồng bộ các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp và kiểm soát tốt dịch bệnh trong hoạt động của các khu, cụm công nghiệp. Cho nên, việc sản xuất, kinh doanh đã không bị đình trệ hoặc dừng sản xuất.

Trụ cột thứ hai về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, sử dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ trong năm qua, tỉnh đã ứng dụng các giải pháp về thương mại điện tử, về chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp; đẩy mạnh việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh trên không gian số. Chính vì vậy, nông nghiệp tỉnh Hải Dương ước đạt được mức tăng trưởng 6,5 %. Đây cũng là con số có thể nói là rất là đáng kể, là tỉnh có tốc độ tăng trưởng nông nghiệp cao nhất cả nước.

Trụ cột thứ ba, về lĩnh vực dịch vụ năm nay đúng là khó khăn với mảng kinh tế dịch vụ, mức độ tăng trưởng không được nhiều, nhất là lĩnh vực kinh doanh dịch vụ vận tải, lưu trú.

Về trụ cột thứ tư, phát triển đô thị xanh thông minh, hiện đại, Hải Dương đã và đang tiến hành lập quy hoạch, hoàn thiện các thủ tục đầu tư để xúc tiến, triển khai một loạt các đô thị lớn, định hướng tăng trưởng xanh, định hướng sinh thái và có hạ tầng kết cấu đồng bộ, hiện đại.

PV:Thưa đồng chí,“3 khâu đột phá” và các mục tiêu khác theo Nghị quyết Đại hội đã được thực hiện đạt kết quả như thế nào đến thời điểm này?

Đ/c Phạm Xuân Thăng: Để hiện thực hóa khát vọng bứt phá vươn lên tốp đầu vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2025, tạo nền tảng để Hải Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Hải Dương xác định 3 khâu đột phá và đã phát huy hiệu quả.

Cụ thể, đột phá thứ nhất về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào tỉnh, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghệ số khởi nghiệp, sáng tạo, Hải Dương đã ban hành nghị quyết chuyên đề. Đồng thời, chủ động tháo gỡ khó khăn cho các dự án đã có chủ trương đầu tư, nỗ lực cải thiện chỉ số PCI và giảm một nửa thời gian cho các dự án chuẩn bị đầu tư; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền gắn với tăng cường trách nhiệm của các cấp chính quyền, các sở, ngành trong các lĩnh vực quản lý liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời tập trung bộ tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương làm tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đối với từng sở, ngành địa phương.

Đột phá thứ hai, Hải Dương cũng tập trung vào công tác quy hoạch và coi đây là chìa khóa để thu hút, quản lý đầu tư có hiệu quả và đầu tư phát triển bền vững. Trong năm 2021, sẽ hoàn thành lập quy hoạch tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và công khai để các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất và triển khai thực hiện đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Từ đầu năm đến ngày 27/11, Hải Dương đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 70 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 12.590 tỷ đồng. Trong đó có một số dự án đáng chú ý KCN An Phát 1 (180 ha, vốn đăng ký 1.947 tỷ đồng), KCN Phúc Điền mở rộng (214,6 ha, vốn đăng ký 1.802 tỷ đồng), KCN Gia Lộc (197,94 ha, vốn đăng ký 2.062 tỷ đồng), KCN Kim Thành (165 ha, vốn đăng ký 1.161 tỷ đồng).

Đột phá thứ 3 về huy động các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, hạ tầng số, đô thị thông minh và nông thôn mới kiểu mẫu, Hải Dương đã và đang tập trung đầu tư nhiều dự án giao thông quan trọng. Việc phát triển hạ tầng giao thông giúp khơi thông các nguồn lực, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Một trong những khâu đột phá được chú trọng chính là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò gương mẫu, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã ban hành Đề án số 02 về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu phát triển, giai đoạn 2021 -2030. Trong đó chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có phẩm chất, trình độ, năng lực, uy tín; ngang tầm nhiệm vụ, có khát vọng phát triển mạnh mẽ, có tư duy đổi mới, sáng tạo, ý thức tổ chức kỷ luật cao, tận tụy, trách nhiệm cao với công việc được giao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách…

Nhìn tổng thể chung, năm 2021 là 1 năm đầy khó khăn và thách thức, nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Hải Dương và với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả với việc ứng dụng các thành tựu về chuyển đổi số, về khoa học công nghệ, cho nên Hải Dương đã vững vàng vượt qua dịch bệnh và đạt được những gam màu sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế.

05. Sẵn sàng vượt qua những thách thức, khó khăn lớn hơn

PV: Xin chúc mừng Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã trải qua 1 năm “vượt khó, tăng tốc” và về đích ngoạn mục. Thưa đồng chí, tuy nhiên, chúng ta cũng thấy, còn có rất nhiều khó khăn và có các chỉ tiêu chưa đạt, vậy trong năm tiếp theo, tỉnh Hải Dương có tính đến điều chỉnh các chỉ tiêu của nhiệm kỳ không thưa đồng chí?

Đ/c Phạm Xuân Thăng: Với sự nỗ lực, cố gắng “vượt khó, tăng tốc” năm 2021 thì bước sang năm mới 2022, chúng tôi tiếp tục xác định là năm “Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá”, với mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt 10%; với một tinh thần sẵn sàng vượt qua những thách thức, khó khăn lớn hơn do dịch bệnh gây ra hoặc do yếu tố khác gây. Với tư tưởng bứt phá, tập trung chỉ đạo nhanh, quyết liệt, sáng tạo hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa để thực hiện được khát vọng và mục tiêu đã đề ra. Vì vậy, nếu như có điều chỉnh sẽ điều chỉnh tăng các chỉ tiêu và mục tiêu phấn đấu theo hướng là phát triển mạnh các lĩnh vực mà Hải Dương có tiềm năng, thế mạnh và phát triển mạnh những lĩnh vực mà hiện nay Hải Dương đang còn thiếu để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tạo sự phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2022 so với năm 2021.

PV:Xin cảm ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn!

Theo Dangcongsan.vn

 

 

 

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.