Hoạt động TC-ĐL-CL (số 4-2018) -0001-11-30 07:06:30

Tháng 8 năm 1995 tại Hội nghị Chất lượng Việt Nam lần thứ nhất, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã long trọng phát động: “Thập niên chất lượng Việt Nam lần thứ nhất 1996-2005”. Bên cạnh hàng loạt các hoạt động nhằm tuyên truyền, thúc đẩy năng suất chất lượng của các tổ chức, doanh nghiệp, năm 1996 Giải thưởng Chất lượng Việt Nam được chính thức hình thành. Ngày 21/11/2007, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được Quốc hội thông qua có quy định về giải thưởng chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Giải thưởng chất lượng Việt Nam được đổi tên thành Giải thưởng chất lượng quốc gia được tổ chức hàng năm nhằm tôn vinh các doanh nghiệp có nhiều thành tích trong sản xuất, kinh doanh, chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước và có nhiều đóng góp cho cộng đồng. Cùng với Phong trào năng suất chất lượng, Giải thưởng chất lượng quốc gia đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong tiến trình tăng cường hội nhập kinh tế của đất nước với kinh tế khu vực và thế giới.

Giải thưởng chất lượng quốc gia được đánh giá, tuyển chọn qua hai cấp sơ tuyển ở địa phương và chung tuyển quốc gia qua 7 tiêu chí: vai trò của lãnh đạo; chiến lược hoạt động; chính sách định hướng vào khách hàng; đo lường, phân tích và quản lý tri thức; quản lý và phát triển nguồn nhân lực; quản lý quá trình hoạt động và kết quả sản xuất kinh doanh. Việc tổ chức xét tặng dựa trên căn cứ pháp lý của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật chặt chẽ, phù hợp với thông lệ quốc tế đảm bảo công khai, minh bạch về kết quả giải thưởng được Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hàng năm và Thủ tướng Chính phủ quyết định trao tặng. Vì vậy, các tổ chức, doanh nghiệp tham gia giải thưởng có cơ hội đánh giá lại toàn diện hoạt động của mình như:

- Thông qua quá trình xây dựng hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng chất lượng quốc gia các tổ chức, doanh nghiệp sẽ rà soát lại toàn bộ quy trình quản lý để từ đó hoàn hiện hệ thống quản trị doanh nghiệp sao cho phù hợp nhất, giảm hoặc kiểm soát chặt chẽ chi phí không phù hợp của quá trình sản xuất, kinh doanh.

- Nâng cao uy tín thương hiệu của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng và xã hội, tăng trưởng về sản xuất, kinh doanh, tăng thị phần trong và ngoài nước.

- Có lợi thế trong việc cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, thái độ phục vụ so với các đối thủ.

Trải qua hơn 20 năm phát triển (1996-2017), Giải thưởng chất lượng quốc gia đã tôn vinh được trên 1.700 lượt tổ chức, doanh nghiệp trên toàn quốc. Hải Dương là một trong các tỉnh tích cực hưởng ứng Phong trào năng suất chất lượng nói chung và Giải thưởng chất lượng quốc gia nói riêng. Ngay từ những năm đầu tiên đã vận động doanh nghiệp tham gia và đạt giải. Cũng từ đó, hằng năm Chi cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng đã tích cực vận động, hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia. Tính đến năm 2017 tỉnh Hải Dương đã có 29 lượt doanh nghiệp đạt giải trong đó có 5 giải Vàng chất lượng quốc gia. Các doanh nghiệp được tôn vinh đã ghi những dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của chính doanh nghiệp, có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và của cả cộng đồng. Điển hình như Công ty CP chế tạo bơm Hải Dương, Công ty TNHH Long Hải, Công ty TNHH Thắng Lợi, Công ty TNHH Toàn Phát, Công ty CP tập đoàn Thành Công, Chi nhánh xăng dầu Hải Dương… đã có những bước phát triển ổn định, khẳng định giá trị của doanh nghiệp và chất lượng sản phẩm trên thị trường. Uy tín của doanh nghiệp, danh tiếng của thương hiệu, chất lượng sản phẩm không những bao phủ thị trường trong tỉnh, trong nước mà còn vượt biên giới lãnh thổ để vươn xa ra thị trường quốc tế khẳng định vai trò cũng như định hướng chiến lược của lãnh đạo doanh nghiệp và sự gắn kết của người lao động trong suốt quá trình phát triển. Những doanh nghiệp đạt giải là những doanh nghiệp điển hình về áp dụng thành công các hệ thống, công cụ quản lý: Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001, hệ thống quản lý môi trường ISO 14001, Kaizen, 5S… hoặc tích hợp nhiều hệ thống quản lý như: Công ty TNHH Toàn Phát, Công ty CP chế tạo Bơm Hải Dương, Công ty CP tập đoàn Thành Công…có kết quả sản xuất, kinh doanh nổi bật, thường xuyên chăm lo tới đời sống của người lao động, có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và cộng đồng. 

Tuy vậy, việc tham gia của các doanh nghiệp còn gặp một số khó khăn rất cần được tháo gỡ để Giải thưởng chất lượng quốc gia có sức lan tỏa sâu rộng hơn nữa trong cộng đồng doanh nghiệp như:

- Với 7 tiêu chí, 18 hạng mục và khoảng 200 câu hỏi trong quá trình chuẩn bị báo cáo của giải thưởng là quá lớn đối với doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

- Hồ sơ tham dự giải thưởng khó tiếp cận đối với phần lớn các doanh nghiệp hiện nay do năng lực quản trị còn hạn chế.

- Cơ cấu giải thưởng có giải Vàng, giải Bạc chất lượng quốc gia không khuyến khích các doanh nghiệp tham gia.

- Công tác tuyên truyền, quảng bá về giải thưởng còn hạn chế ở cả hai cấp sơ tuyển và cấp quốc gia… trong suốt quá trình vận động, xét tuyển và trao giải.

Hình thành từ Phong trào năng suất chất lượng tại Việt Nam, Giải thưởng chất lượng quốc gia đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển và thành công của Phong trào trong hơn hai thập niên (1996 - 2017) với mục tiêu là khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng; phát triển nguồn lực cần thiết để nâng cao năng suất chất lượng tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa; tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp…Do vậy, các doanh nghiệp khi tham gia giải thưởng không chỉ vì mục đích được tôn vinh ở cấp nhà nước mà thiết thực hơn là được sử dụng các tiêu chí của Giải thưởng chất lượng quốc gianhư một công cụ tự đánh giá để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và cải tiến hoạt động quản lý nói chung, nâng cao năng suất,chất lượng nói riêng của chính doanh nghiệp và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và của đất nước./.

Bài của Lê Thị Lý, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Bài đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 4 ra tháng 8 năm 2018

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.