Thông qua HTX, các hộ thành viên đã nhận được sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, thu nhập của người lao động cũng như của thành viên được cải thiện, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Giai đoạn 2013-2021, tỉnh Hải Dương đã hỗ trợ 1.081 triệu đồng thành lập mới 135 HTX cung cấp thông tin, tư vấn, tập huấn về quy định pháp luật HTX trước khi thành lập HTX cho sáng lập viên HTX, tư vấn xây dựng điều lệ, phương án sản xuất kinh doanh, hướng dẫn và thực hiện các thủ tục thành lập, đăng ký và tổ chức hoạt động của HTX, tư vấn thực hiện các thủ tục tổ chức lại hoạt động của HTX theo Luật HTX,...
Để hỗ trợ các HTX, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho trên 17.500 lượt người là đội ngũ quản lý, điều hành của HTX và các thành viên tham gia HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Tỉnh đã hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng cho 24 HTX nông nghiệp với các hạng mục hỗ trợ xây dựng: cải tạo hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng, hệ thống tưới tiết kiệm...phục vụ cho các vùng sản xuất chuyên canh ràu màu, nuôi thủy sản tập trung của các HTX trên địa bàn tỉnh. Nhà nước hỗ trợ khoảng 154,58 tỷ đồng từ nguồn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khá phát triển trong những năm gần đây, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có trên 60 HTX nông nghiệp tham gia chuỗi liên kết. Liên minh HTX tỉnh đã thực hiện hỗ trợ vốn vay cho 35 lượt HTX nông nghiệp với tổng số vốn quay vòng cho vay đạt 7,42 tỷ đồng; Nhiều HTX trong tỉnh đã được tiếp cận và vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của Liên minh HTX Việt Nam.
Tính đến năm 2022, toàn tỉnh có 510 HTX, LH HTX đang hoạt động; trong đó, số HTX hoạt động hiệu quả đạt gần 60%. Số lượng HTX chia theo lĩnh vực hoạt động như sau: Lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản: 320 HTX, chiếm 63%; lĩnh vực công nghiệp, xây dựng 51 HTX bao gồm HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, vệ sinh môi trường… chiếm 10%; dịch vụ, giao thông vận tải 67 HTX chiếm 13%; có 71 quỹ tín dụng đang hoạt động, chiếm 14%. Số thành viên HTX là 203.600 thành viên (trung bình khoảng 400 TV/HTX). Trong đó người lao động làm việc thường xuyên trong HTX khoảng 40.720 người (trung bình 80 người/HTX bằng 20% số thành viên HTX); Số lao động là thành viên HTX là 24.400 người (chiếm 60% số người lao động làm việc thường xuyên). Tổng doanh thu của các HTX trên địa bàn tỉnh năm 2022 năm đạt 1.120 tỷ đồng, ước đạt 2,2 tỷ đồng/HTX, lãi bình quân 1 HTX ước đạt 170 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của lao động thường xuyên làm việc trong HTX khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.
Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã được các HTX quan tâm, đã có 12 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp như: nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm, theo dõi và phun thuốc bảo vệ thực vật, gieo cấy… trong đó kinh phí nhà nước hỗ trợ khoảng trên 6 tỷ đồng. Về lĩnh vực bảo hộ tài sản trí tuệ, đến nay Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ các HTX về lĩnh vực sở hữu công nghiệp, truy xuất nguồn gốc sản phẩm với các sản phẩm có tiềm năng thế mạnh của địa phương: Đã hỗ trợ xây dựng và khai thác 28 nhãn hiệu tập thể và 01 chỉ dẫn địa lý vải thiều Thanh Hà; hỗ trợ các địa phương thành lập, vận hành 52 tổ truyền thông thông tin khoa học và công nghệ để cập nhật kiến thức phục vụ sản xuất và đời sống.
Đến nay, tất cả các HTX trên địa bàn tỉnh đã chuyển đổi, đăng ký lại theo Luật HTX năm 2012. Các HTX mới thành lập hầu hết đều tuân thủ các quy định của Luật HTX với hình thức tổ chức, quy mô và phương thức hoạt động đa dạng, phong phú; về cơ bản các thành viên HTX đã tự nguyện cùng góp vốn và thống nhất phương án sản xuất kinh doanh. Đến nay sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các HTX đã từng bước được phục hồi.
Toàn tỉnh có khoảng 820 tổ hợp tác, hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng, cơ khí, làm đất, mộc, vận tải, bốc vác và tổng hợp... đã đem lại những lợi ích trực tiếp cho các thành viên, đồng thời tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều lao động khác, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và ổn định kinh tế - xã hội ở các địa phương.
Kế hoạch của tỉnh phấn đấu đến năm 2030, tiếp tục củng cố, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, HTX theo mô hình HTX kiểu mới; gắn phát triển KTTT, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học tiên tiến, công nghệ thông tin để sản xuất các sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Khuyến khích, tạo điều kiện xây dựng mối liên kết chặt chẽ, hợp tác đa dạng, bền vững giữa doanh nghiệp với HTX, THT và kinh tế hộ gia đình; nhân rộng các mô hình hợp tác hiệu quả; tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển có hiệu quả trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; góp phần hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện hình thành những tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ ứng dụng công nghệ cao để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các thành viên; thu hút ngày càng nhiều hộ nông dân và các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ và các tổ chức tham gia HTX; có tốc độ tăng trưởng cao hơn và có tỷ trọng đóng góp ngày càng lớn hơn vào GDP của tỉnh.
Bài của TS. Nguyễn Đình Bộ, PGĐ Sở KHCN
Đăng trên Bản tin Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 1 ra tháng 6 năm 2023.