Vải thiều Thanh Hà
Cây vải thiều là cây đặc sản cho giá trị kinh tế cao của huyện Thanh Hà. Nó đã trở thành niềm tự hào là một trong những cây có giá trị kinh tế cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng và cũng là một trong 15 sản phẩm nông nghiệp trên cả nước được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý. Từ đó đã tạo cho vải thiều Thanh Hà trở thành một trong những thương hiệu nông nghiệp lớn nước Việt Nam.
Chúng tôi về Thanh Hà vào trung tuần tháng 6, lúc này đất vườn phủ một mầu sắc hồng vải chín. Ngay khi đến đầu huyện Thanh Hà đã thấy từng đoàn người gống gánh vải đi bán, ôtô tải nối đuôi nhau ngược xuôi chở vải đi khắp mọi miền đất nước. Đối với huyện Thanh Hà, cây vải là cây chủ lực chiếm đến 2/3 diện tích canh tác, là nguồn thu nhập chính của các hộ nông dân. Toàn bộ vườn tạp ở đây đã được cải tạo để trồng vải, diện tích cây vải ở Thanh Hà phát triển rất nhanh trong khoảng hơn chục năm trở lại đây và diện tích hiện nay là 7000 ha. Năm nay vải trên địa bàn huyện mất mùa chỉ thu hoạch được 40% diện tích với khoảng 20 nghìn tấn, giá bán vải từ 5500 đồng đến 6000 đồng/kg. Tuy năm nay không được mùa vải như những năm trước, nhưng vải thiều Thanh Hà được giá hơn mọi năm.
Theo ông Vũ Đình Bát, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà cho biết: Vụ vải năm nay các thành viên trong Hiệp hội đã xuất khẩu sang Ôxtrâylia được 30 tấn vải và đưa vải vào bán tại siêu thị Intimex (Hà Nội)... Có được kết quả đó là do từ khi thành lập năm 2003, đến nay Hiệp hội có 150 hội viên, Hiệp hội luôn được các cấp, các ngành quan tâm tuyên truyền quảng bá sản phẩm vải thiều trên các phương tiện thông tin đại chúng từ trung ương đến địa phương, tích cực tham gia các hội chợ trong và ngoài nước. Sau khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng Chứng nhận Chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Thanh Hà, việc tuyên truyền sản phẩm vải thiều được tiến hành thường xuyên, do vậy ngày càng nhiều người trong và ngoài nước biết đến đặc sản vải thiều Thanh Hà.
Theo các chuyên gia kinh tế thì việc bảo hộ Chỉ dẫn địa lý sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho hàng nông sản này và đã khẳng định được tính đặc thù về chất lượng vải thiều mang Chỉ dẫn địa lý chỉ ở Thanh Hà mới có được. Vải thiều Thanh Hà quả vừa phải, trọng lượng từ 40 đến 45 quả/kg, hương thơm dịu, cuống nhỏ, gai lì nếu bóc quả vải ra thì không bị vỡ nước, khi ăn thì có độ thơm, ngọt dịu, hạt nhỏ và màu vỏ đỏ tươi. Tuy nhiên hiện nay vải thiều Thanh Hà đang bị một số loại vải của địa phương khác cạnh tranh khá mạnh mẽ mặc dù chất lượng những loại vải đó kém rất xa so với vải của Thanh Hà.
Huyện Thanh Hà có 25 xã, thị trấn nhưng một nửa người dân nơi đây sống bằng nghề trồng vải. Trong đó có 3 xã Thanh Sơn, Thanh Thuỷ và Thanh Xá gần như 100% người dân chuyên canh cây vải. Trong những năm qua, nhiều nhà klhoa học đã và đang nghiên cứu giúp nông dân trồng vải cho năng suất cao, kéo dài thời gian thu hoạch. Một trong những tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được áp dụng thành công với cây vải vụ vừa qua đó là xử lý lộc cây vải ra vào mùa Đông. Sau khi bẻ quả, đến khi mùa Đông đến cây vải đã ra 2 lần lộc nhưng do thời tiết mùa đông ấm, nền nhiệt độ cao cây vải đã cho thêm một lần lộc nữa. Lượt lộc này buộc phải huỷ thì cây vải mới cho hoa tốt. Qua nhiều năm sử dụng, rút kinh nghiệm người dân trồng vải Thanh Hà đã đúc rút được khá nhiều kinh nghiệm quý báu trong chăm sóc cây vải qua các thời kỳ sinh trưởng. Người dân đã quan tâm hơn trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như sử dụng chế phẩm để lộc cây vải tự rụng mà nhiều đời nay không có biện pháp xử lý hữu hiệu hoặc để kéo dài thời gian thu hoạch bảo quản quả vải từ 7 đến 10 ngày; việc xử lý hiện tượng sâu đầu cuống ở quả vải và đã thực hiện bẫy sinh học khá hiệu quả. Hiện nay vải thiều nếu bảo quản trong kho lạnh có thể để được từ 30 đến 35 ngày. Điều đó đã tạo điều kiện để người trồng vải tiêu thụ vải dễ dàng hơn mỗi khi mùa vải chín rộ.
Theo ông Vũ Đình Bát, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà: Việc được chứng nhận Chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa rất quan trọng đối với người trồng vải Thanh Hà. Nó đã khẳng định nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, chỉ rõ tính chất và chất lượng đặc thù của vải thiều được trồng trên đất Thanh Hà, khác với tất cả các loại vải thiều trồng ở các địa phương khác. Đây là cơ hội thuận lợi làm tăng gia trị kinh tế cho người dân trồng vải ở huyện Thanh Hà, là cơ hội đẩy mạnh sự phát triển các ngành kinh tế khác như công nghiệp chế biến, du lịch sinh thái miệt vườn, giải quyết việc làm cho người lao động và làm tăng thu nhập cho nhân dân địa phương. Ngoài ra còn góp phần làm tăng giá trị tích luỹ cho thương hiệu vải thiều Thanh Hà, đồng thời giữ gìn và phát triển một sản vật truyền thống nông nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng, kết hợp với bản sắc riêng của Thanh Hà xứ Đông và nâng cao hình ảnh quốc gia Việt Nam trong quá trình hội nhập.
Để phát triển thương hiệu vải thiều Thanh Hà thành giá trị tài sản lớn của địa phường, người dân cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm vải thiều, gìn giữ uy tín, nâng cao chất lượng dịch vụ. Các cấp, các ngành cần quan tâm quản lý chất lượng sản phẩm, giúp nông dân quảng bá tuyên truyền sản phẩm vải thiều, tiếp tục đầu tư nghiên cứu nâng cao hơn nữa năng suất, chất lượng quả vải, kéo dài thời gian thu hoạch và bảo quan, chế biến, tăng cường hiệu quả hoạt động của Hiệp hội sản xuất tiêu thụ vải thiều Thanh Hà.