Nuôi trồng thủy sản theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia

 Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Thông tư số 71/2011/TT-BNNPTNT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở nuôi trồng thủy sản thương phẩm (QCVN 01 - 80: 2011/BNNPTNT), cơ sở sản xuất, kinh doanh thủy sản giống (QCVN 01 - 81: 2011/BNNPTNT).

 Theo đó, các quy chuẩn này áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản thương phẩm, tập trung (thâm canh, bán thâm canh); sản xuất, kinh doanh thủy sản giống trên phạm vi cả nước. Riêng đối với các hộ gia đình, cá nhân sản xuất thủy sản, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp theo quy định tại khoản 2 điều 36 Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29/8/2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh thì không thuộc đối tượng áp dụng của quy chuẩn này.

Chúng tôi xin đăng tải quy chuẩn đối với nuôi trồng thủy sản thương phẩm trong Thông tư 71/2011/TT-BNNPTNT:

1. Địa điểm xây dựng

1.1 Đối với hoạt động nuôi ao, đầm

- Nằm trong vùng đã được quy hoạch cho từng đối tượng thủy sản của địa phương hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt

- Gần nguồn nước, thuận lợi cho việc cấp và thoát nước dễ dàng, phải đủ nước dùng trong suốt quá trình nuôi. Có nguồn điện ổn định, giao thông thuận tiện, tách biệt với bệnh viện, các khu công nghiệp, nhà máy hóa chất và chế biến thực phẩm.

1.2 Đối với hoạt động nuôi lồng, bè

- Nằm trong vùng đã được quy hoạch cho từng đối tượng thủy sản của địa phương hoặc đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

- Lồng, bè phải được đặt ở những khu vực không bị ô nhiễm, có chất lượng nước phù hợp với đối tượng thủy sản nuôi.

+ Nơi đặt lồng, bè phải thoáng, có dòng chảy thẳng và liên tục; tránh nơi tập trung đông dân cư và tàu thuyền qua lại nhiều, nơi gần bến cảng, nơi có sóng và gió lớn, nơi có nhiều rong và các loại cây cỏ thủy sinh.

+ Nơi đặt lồng, bè phải có độ sâu ít nhất là 3 m.

- Đối với hoạt động nuôi thả bãi

+ Bãi phải bằng phẳng, chọn bãi triều cao, sóng gió êm. Mức nước bình quân tại mức triều cao nhất từ 1m đến 2m, nước không bỏ bãi trong ngày nước triều thấp nhất.

+ Nước triều lên xuống đều, không phơi đáy quá 8 giờ/ngày, độ mặn ổn định, trung bình từ 15‰ đến 25‰.

2. Nguồn nước và chất lượng nước

2.1 Nguồn nước

- Nước ngọt: Gồm nước máy, nước ngầm, nước giếng, nước sông suối tự nhiên hoặc nước từ hệ thống thủy nông, có độ mặn < 5‰.

- Nước biển ven bờ: Gồm nước biển, nước ngầm hoặc nước ót ruộng muối, có độ mặn ≥ 5‰.

2.2 Chất lượng nước

- Nước phải đảm bảo sạch và các yếu tố thủy lý thủy hóa, thủy sinh phù hợp với từng đối tượng thủy sản nuôi.

- Chất lượng nước ngọt để nuôi thủy sản phải đảm bảo những yêu cầu sau:

+ Độ trong: ≥ 30 cm
+ Hàm lượng NH3 trong điều kiện pH = 6,5 và to = 200C là: ≤ 1,49 mg/l
Hàm lượng NH3 trong điều kiện pH=8,0 và to = 200C là ≤ 0,93 mg/l
+ Coliforms tổng số: ≤ 20 MPN/100ml
+ Nguyên sinh động vật và ký sinh trùng gây bệnh: không có
+ Vi khuẩn yếm khí ≤ 10 cá thể/ml

- Chất lượng nước mặn để nuôi thủy sản phải đảm bảo hàm lượng NH3 không vượt quá 0,1mg/l và Coliform không quá 1000 MPN/100ml (QCVN 10:2008/BTNMT - Chất lượng nước biển ven bờ).

3. Cơ sở hạ tầng và các hạng mục công trình

3.1 Hệ thống công trình phục vụ quá trình nuôi

* Đối với hoạt động nuôi ao, đầm

- Bờ phải cao, mặt bằng phải vững chắc, địa tầng ổn định, không nằm trong vùng bị xói lở; ao, bể nuôi được xử lý chống thấm, chống rò rỉ, chống tràn nước.

- Với ao nuôi trên cát: bạt làm ao phải chắc chắn, bền, không độc và dễ vệ sinh, khử trùng tiêu độc.

- Ao không sạt lở, không có ổ mối, hang hốc. Ao phải có cống, đăng, rào chắn để tránh thất thoát; đáy ao bằng phẳng, nghiêng về phía đường thoát nước.

- Đối với các cơ sở có hoạt động nhập khẩu giống thủy sản phải có nơi cách ly kiểm dịch đảm bảo tách biệt với các khu vực nuôi xung quanh và dễ khoanh vùng dập dịch khi có dịch bệnh xảy ra.

* Đối với hoạt động nuôi lồng, bè

- Lồng, bè phải làm bằng các vật liệu chắc chắn, bền, có khả năng chống chịu tốt với môi trường nước, sóng, gió, chất khử trùng tiêu độc. Thiết kế dễ làm vệ sinh, khử trùng, dễ di rời, lắp đặt. Các lồng, bè phải đặt so le để không gây cản trở dòng chảy.

3.2 Hệ thống cấp và thoát nước (áp dụng đối với hoạt động nuôi ao, đầm)

- Hệ thống xử lý nước cấp như ao chứa, ao lắng, hệ thống lọc nước phải đảm bảo thích hợp và theo các quy định hiện hành đối với từng đối tượng nuôi.
- Phải có hệ thống cấp và thoát nước riêng biệt. Chỉ sử dụng nước nuôi từ các bể, ao nuôi khác khi đã qua xử lý đạt tiêu chuẩn quy định.

- Hệ thống đường dẫn nước thải phải phải xây chìm, có nắp đậy kín, đảm bảo không rò rỉ; phải thoát nước nhanh, không ứ đọng trong quá trình sản xuất, dễ làm vệ sinh, không gây mùi và ô nhiễm môi trường.

- Việc thoát nước đối với cơ sở nuôi phải theo những quy định chung của vùng nuôi, không gây ô nhiễm cho các cơ sở nuôi khác.

3.3 Dụng cụ, thiết bị phục vụ quá trình nuôi

- Dụng cụ, thiết bị sử dụng trong quá trình nuôi phải được sử dụng riêng cho từng ao, bể, lồng, bè nuôi; phải đảm bảo bền, nhẵn, không độc, tiện lợi, dễ làm vệ sinh tiêu độc, khử trùng.

- Dụng cụ chứa động vật thủy sản phải được làm bằng vật liệu thích hợp, đảm bảo không để lọt nước và chất thải ra môi trường trong quá trình vận chuyển, dễ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật khác theo quy định hiện hành.

- Động cơ và thiết bị truyền động của hệ thống sục khí hoặc quạt nước trong khu vực nuôi phải đảm bảo không rò rỉ xăng, dầu vào trong nguồn nước và các ao chứa lắng, ao nuôi.

3.3 Nước thải, chất thải và hệ thống xử lý nước thải

- Ao xử lý nước thải phải có cao trình đáy thấp hơn so với cao trình đáy của hệ thống ao nuôi để tránh sự thẩm lậu ngược, phải cách biệt với khu vực nuôi và nguồn nước ngầm để tránh lây nhiễm chéo.

- Nước thải trước khi thải ra môi trường phải được xử lý không vượt quá giới hạn cho phép (phụ lục) và các quy định hiện hành. Nước thải sinh hoạt trong cơ sở nuôi phải được xử lý trong hố vệ sinh tự hoại. Không được để nước bẩn chảy vào các ao, đầm nuôi, ao lắng hoặc kênh dẫn nước và bất kỳ thủy vực tự nhiên nào.

- Khi có bệnh xảy ra, cơ sở không được thải nước trong ao nuôi hoặc phải xử lý tiêu diệt mầm bệnh trước khi thải ra môi trường ngoài.

- Bùn thải trong quá trình nuôi phải thu gom và đổ vào nơi quy định để xử lý tránh gây ô nhiễm cho vùng nuôi.

- Các chất thải rắn, chất thải hữu cơ trong quá trình nuôi phải thu gom, phân loại và xử lý (bằng các phương pháp hóa, lý, sinh học) trước khi đưa vào các thùng chứa. Các thùng chứa phải đảm bảo an toàn, đặt đúng vị trí quy định, thuận tiện cho các hoạt động nuôi, không gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu đến nguồn nước.

- Đối với cơ sở nuôi thủy sản lồng, bè: mỗi cơ sở phải lắp đặt thùng rác và chuyển đến nơi thu rác tập trung. Nếu chưa có tổ chức thu gom rác tập trung thì các cơ sở phải có biện pháp xử lý đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu đến nguồn nước. Không tùy tiện xả rác, thức ăn ôi thiu xuống khu vực lồng bè và môi trường xung quanh.

3.4 Kho nguyên vật liệu (Áp dụng đối với các cơ sở có kho nguyên vật liệu)

- Kho nguyên vật liệu trong cơ sở nuôi trồng thủy sản phải kín nhưng dễ thông gió, ngăn được côn trùng và động vật gây hại xâm nhập.

- Kệ để nguyên vật liệu trong kho phải cao cách mặt đất (hoặc nền) ít nhất 0,3 m và đặt cách tường ít nhất 0,3 m.

- Trong kho phải có các khu vực riêng biệt để chứa thức ăn, hóa chất và thuốc phòng trị bệnh sử dụng trong quá trình nuôi.

- Kho chứa xăng, dầu phải được bố trí cách biệt với nguồn nước cấp vào các ao nuôi để tránh gây nhiễm bẩn, có trang bị đầy đủ các thiết bị phòng cháy, chữa cháy theo quy định.

- Nền nhà kho phải được làm bằng vật liệu cứng, nhẵn, không thấm nước, dễ vệ sinh, dễ thoát nước, khử trùng.

3.5 Nhà vệ sinh

- Đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản thương phẩm ao, đầm: Khu vệ sinh cá nhân cho công nhân phải được thiết kế chống thẩm lậu và ảnh hưởng tới khu vực nuôi.

- Đối với cơ sở nuôi thủy sản lồng bè: phải bố trí đủ nhà vệ sinh phù hợp với số lượng lao động việc trên bè. Nhà vệ sinh phải kín và tự hoại, được đặt ở cuối bè, đảm bảo không có bất kỳ mối nguy nào do phân người làm ô nhiễm môi trường và bè nuôi.

4. Quản lý hoạt động NTTS

4.1 Chuẩn bị ao, lồng, bè nuôi

- Ao, bể, lồng, bè nuôi phải được tẩy dọn, phơi trước và sau khi nuôi theo quy trình kỹ thuật hiện hành của Bộ Nông nghiệp &PTNT cho từng đối tượng thủy sản.

- Việc sử dụng hóa chất tẩy dọn ao, đầm, gây màu nước phải tuân thủ theo đúng quy định.

4.2 Thả giống

- Thủy sản giống phải có nguồn gốc rõ ràng, phải được mua từ các cơ sở có kiểm soát chất lượng thủy sản bố mẹ, giống và quá trình sản xuất.

- Thủy sản giống phải khỏe mạnh, đáp ứng yêu cầu theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với từng đối tượng. Thủy sản giống phải có giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan có thẩm quyền cấp.

- Thả giống đúng mùa vụ, mật độ, kích cỡ, thời gian thả theo quy trình của từng đối tượng của cơ quan quản lý thủy sản ở địa phương.

4.3 Thức ăn và phân bón

- Đảm bảo chất lượng, phù hợp với từng đối tượng nuôi và giai đoạn nuôi.

- Thức ăn phải đảm bảo không bị mốc, ôi, uơn, thiu, thối rữa, nhiễm độc tố, hóa chất độc hại; Ngoài ra đối với thức ăn công nghiệp phải còn hạn sử dụng, nhãn, mác, bao bì rõ ràng và thuộc danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.

- Không được sử dụng phân hữu cơ chưa qua xử lý cho ao nuôi. Trong ao nuôi chỉ được bón phân vô cơ, phân hữu cơ đã được xử lý thích hợp hoặc phân vi sinh.

Riêng các cơ sở nuôi lồng, bè, chủ cơ sở phải có quy định nghiêm ngặt về quản lý, sử dụng thức ăn đảm bảo đúng, đủ số lượng thức ăn, không gây ô nhiễm môi trường. Khuyến khích sử dụng thức ăn công nghiệp, hạn chế sử dụng thức ăn tươi sống.

4.4 Phòng trị bệnh, sử dụng thuốc và hóa chất

- Cơ sở nuôi phải áp dụng biện pháp phòng bệnh bắt buộc theo quy định hiện hành để quản lý sức khỏe vật nuôi.

- Không bắt, thả thủy sản giống từ ao này sang ao khác khi đang có bệnh xảy ra.

- Trong quá trình nuôi hạn chế tối đa việc thay nước để giảm nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh qua nguồn nước cấp.

- Thuốc phòng trị bệnh, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất sử dụng trong nuôi trồng thủy sản phải có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.

- Việc sử dụng và ngừng sử dụng các loại hóa chất, thuốc phải theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Cơ sở nuôi phải ghi chép và lưu giữ toàn bộ hồ sơ các lần sử dụng thuốc hoặc hóa chất cho các ao nuôi của mình. Hồ sơ bao gồm nội dung: ngày, tháng sử dụng; loại thuốc hoặc hóa chất đã sử dụng; lý do sử dụng, liều lượng, thời gian và hiệu quả sử dụng.

5. Lực lượng lao động kỹ thuật

- Cán bộ kỹ thuật của mỗi cơ sở phải được đào tạo về chuyên môn đáp ứng các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Người làm việc tại cơ sở phải được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định, có hiểu biết về chuyên môn, kỹ thuật trong lĩnh vực hoạt động.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia