Thông tin ứng dụng chuyển giao -0001-11-30 07:06:30

Năm 2017, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương) đã mở rộng mô hình chăn nuôi dòng lợn nái sinh sản VCN21 góp phần nâng cao năng suất và chất lượng thịt trên địa bàn tỉnh Hải Dương trên địa bàn xã Hồng Lạc (huyện Thanh Hà) và xã Tân Kỳ (huyện Tứ Kỳ) với quy mô 50 lợn nái.

Ban chủ nhiệm Nhiệm vụ đã phối hợp với các địa phương thực hiện mô hình tổ chức được 02 buổi lựa chọn địa điểm tại hai xã có mô hình; Kết quả đã chọn được hai hộ ở hai xã có đủ điều kiện tham gia mô hình. Tổ chức được 02 lớp tập huấn tại các xã xã Hồng Lạc (huyện Thanh Hà) và xã Tân Kỳ (huyện Tứ Kỳ) cho trên 100 lượt người tham gia, cấp phát trên 100 bộ tài liệu, hướng dẫn cho mọi người tham gia lớp tập huấn nắm chắc kỹ thuật chăn nuôi và các biện pháp phòng, điều trị bệnh trong chăn nuôi lợn nái sinh sản và lợn thương phẩm. Kết quả, các hộ tham dự đã nắm bắt được yêu cầu kỹ thuật chăn nuôi lợn nói chung và dòng nái sinh sản VCN21 nói riêng.

Các hộ tham gia mô hình bắt đầu nuôi lợn VCN 21 có trọng lượng trọng lượng đạt 128 kg/con, cao hơn hộ bắt sau trung bình 35 kg/con. Các hộ nuôi được lựa chọn đều là hộ chăn nuôi quy mô lớn,có kinh nghiệm, có chuồng trại khép kín theo quy mô công nghiệp hiện đại, đảm bảo đủ yêu cầu để chăn nuôi nái sinh sản VCN21.

Sau khi bàn giao nhận giống, Trung tâm đã hướng dẫn các hộ quá trình chăm sóc và tiêm phòng vacxin phòng bệnh theo đúng quy trình để đàn vật nuôi sinh trưởng tốt.Tuy nhiên do thay đổi địa điểm, môi trường sống, một số con có triệu chứng viêm phổi, viêm móng. Trung tâm đã kiểm tra tình trạng và hướng dẫn các hộ tiêm kháng sinh, đồng thời bổ sung thêm vitamin và điện giải để tăng sức đề kháng cho đàn lợn hậu bị. Sau 2 tuần phòng và trị bệnh, hai đàn hậu bị sinh trưởng bình thường và tăng trọng trở lại.Cả hai mô hình nái hậu bị dòng VCN21 đều được cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp, đảm bảo đủ nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày. Các hộ đã chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin theo đúng quy trình kỹ thuật phòng bệnh. Tại các mô hình, lợn VCN 21 đều có chu kỳ lên giống dao động từ 17- 23 ngày, điều này phù hợp với quá trình sinh lý và phát triển của lợn nái. Đối với nái hậu bị, theo dõi quá trình lên giống là yêu cầu bắt buộc, người chăn nuôi căn cứ vào chu kỳ lên giống của con nái mà lựa chọn những con có chu kỳ ổn định để có kế hoạch phối thích hợp, đồng thời phát hiện những nái có vấn đề để có biện pháp cứu chữa và điều trị kịp thời.

Do thời điểm bắt, lợn nái ở mô hình xã Hồng Lạc trưởng thành hơn, nên động dục sớm hơn. Sau khi theo dõi quá trình động dục, hộ nuôi ở xã Hồng Lạc đã chủ động phối giống cho nái. Cuối tháng 4/2017, lợn hậu bị tại mô hình xã Hồng Lạc đã phối những con đầu tiên. Mô hình ở xã Tân Kỳ do trọng lượng thấp hơn, vì vậy bên cạnh việc tiếp tục chăm sóc để nái hoàn thiện về thể vóc, tránh bị gặp vấn đề khi sinh nở của lợn nái, chủ trại cũng quan tâm, theo dõi và phát hiện quá trình động dục, do đó tháng 9 năm 2017, trại mới tiến hành phối giống. Các hộ tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật trong thụ tinh, thực hiện thụ tinh vào thời kỳ động dục lần 3. Sau khi thụ tinh, lợn nái được chăm sóc chu đáo, hạn chế sự di động, tránh ảnh hưởng tới bào thai đang phát triển. Mức ăn được duy trì và phù hợp với từng giai đoạn mang thai của lợn nái. Bên cạnh nguồn thức ăn chính, Ban chủ nhiệm đã cùng với cán bộ thú y hướng dẫn hộ chăn nuôi bổ sung thêm chất khoáng, vitamin… nhất là vào những ngày thời tiết khắc nghiệt, để tăng cường sức đề kháng cho đàn nái, bổ sung dưỡng chất cho những con đang mang thai. Các hộ chăn nuôi cũng chủ động các biện pháp chống nóng cho đàn nái: tăng quạt hút, thiết kế dàn phun mái, che chắn ánh nắng… không để nhiệt độ trong chuồng nuôi quá cao, ảnh hưởng tới quá trình phát triển của bào thai. Trong quá trình thực hiện, số nái bị lốc (phối trượt lần đầu) là 6 con, tỷ lệ phối thành công đạt 88%, trong đó hộ ông Thuấn đạt cao hơn. Hiện tượng xảy thai xảy ra với mô hình tại xã Hồng Lạc. Nguyên nhân là do thời tiết nóng khiến phôi thai mới hình thành bị chết phôi.

Số con sơ sinh/ ổ của lợn nái VCN21 được phối với Du 100 và PiDu 50 là: 10,3 con.  Số con sơ sinh sống / ổ  và số số con để nuôi của lợn nái VCN21 lần lượt là 9,68 con và 9,05 con. Số con cai sữa/ổ đạt 8,84 con (nuôi con từ 20 - 24 ngày). Khối lượng sơ sinh/con là 1,37 kg/con và khối lượng sơ sinh/ổ là 14,41 kg/ổ. Khối lượng cai sữa bình quân là 6,33 kg/con và khối lượng cai sữa/ ổ là 52,06 kg/ổ. Trọng lượng lúc 60 ngày tuổi trung bình 18,7 kg/con. Hiện tại, những con thương phẩm đầu tiên đã được trên 3 tháng tuổi, trọng lượng bình quân đạt trên 50 kg/con, dự kiến cho xuất bán vào tháng 12 (âm lịch).

Mô hình nuôi dòng lợn nái sinh sản VCN21 góp phần nâng cao năng suất và chất lượng thịt trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã tổ chức được 2 lớp tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn quy trình chăn nuôi và phòng trị bệnh cho lợn nái sinh sản và lợn thương phẩm tại các địa phương thực hiện mô hình. Xây dựng 2 mô hình chăn nuôi dòng nái VCN21 đã cho kết quả tốt với số con sơ sinh 10,3 con /nái; số con để nuôi là 9,05 con/nái; số con cai sữa là 8,84 con/nái. Khối lượng cai sữa bình quân 23 ngày đạt 6,33 kg/con. Lợn nái sinh sản VCN21 được phối với tinh đực giống Duroc100 và Pidu 50 đảm bảo chất lượng cho con lai thương phẩm có ngoại hình thể vóc đẹp, trường con, khả năng sinh trưởng tốt, trọng lượng 60 ngày tuổi đạt 18,7 kg/con, tỷ lệ sống cao trên 93%.

Hải Ninh

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.