Những vấn đề chung (số 3-2018) -0001-11-30 07:06:30

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của đảng ta, dân tộc ta. Những di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hành động của đảng và cách mạng nước ta. Những tư tưởng của Người mãi mãi là ngọn cờ dẫn dắt cách mạng Việt Nam từng bước đi lên giành hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, thắng lợi ngày càng to lớn hơn.

Trên cương vị của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều cống hiến vĩ đại trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của đảng, của nhà nước và nhân dân ta để giải phóng đất nước, đưa đất nước tiến lên Chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước về mọi mặt kinh tế, chính trị, xã hội... Trên lĩnh vực y tế và sức khỏe, Người cũng đã để lại cho chúng ta những tư tưởng, quan điểm vô cùng sâu sắc, phong phú, có ý nghĩa định hướng cho việc phát triển một nền y học Việt Nam hiện đại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề sức khỏe con người. Người coi đây là một nhân tố rất quan trọng có ý nghĩa quyết định đến thắng lợi của sự nghiệp cách mạng. Người chỉ rõ: “giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần sức khỏe mới thành công”. Người nói: “mỗi một người dân yếu ớt là cả nước yếu ớt, dân cường thì nước mạnh”. Trong thời kỳ lãnh đạo dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “sức khỏe của cán bộ và nhân dân được đảm bảo thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng gần thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công”. Điều này nói lên rằng Bác Hồ của chúng ta đã đánh giá rất cao vai trò của sức khỏe.

Quan niệm về sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao gồm sự lành mạnh cả về thể xác lẫn tinh thần. Người định nghĩa: “ngày nào cũng tập thể dục thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe”. Nội dung của định nghĩa này hoàn toàn thống nhất với định nghĩa về sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới trong Tuyên ngôn Alma Ata năm 1978 “Sức khỏe là trạng thái hoàn toàn thoải mái về tâm hồn, về thể xác, về xã hội”. Như vậy trước Tuyên ngôn Alma Ata gần nửa thế kỷ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một quan niệm rất chính xác về sức khỏe. Khi đưa ra khái niệm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp cận đến tinh thần mác xít về con người, bản chất của con người vừa là một thực thể tự nhiên, vừa là một thực thể xã hội; vì vậy việc chăm lo sức khỏe cho con người phải bằng cả biện pháp vật chất và biện pháp tinh thần. Người nói: “Làm thế nào cho đời sống của dân ta vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn”. Trong thư gửi Hội nghị Quân y, Bác Hồ đã nói: “Người thầy thuốc chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần những người ốm yếu”.

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nền y tế của nước ta là một nền y tế nhân dân. Bác Hồ nói “xây dựng một nền y học của ta”, đây là một quan điểm rất sâu sắc. Bác Hồ còn nói với cán bộ y tế phải “giúp đồng bào, giúp chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta”. Cả cuộc đời của Bác Hồ đều vì dân, lấy dân làm gốc. Tư tưởng đó của Người cũng được thể hiện ở việc xây dựng một nền y học xuất phát từ nhân dân, của dân, vì dân. Tư tưởng này còn thể hiện ở một nền y học mang bản sắc Việt Nam, xuất phát từ những điều kiện Việt Nam. Theo Bác Hồ, nhân tố nhân dân và nhân tố Việt Nam là cơ sở cho việc xây dựng một nền y học Việt Nam. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra nguyên tắc phải xây dựng một nền y học dân tộc, đại chúng. Tính dân tộc và tính đại chúng chính là một nền y học mang nhân tố dân tộc và nhân tố nhân dân. Nhưng Bác Hồ cũng không dừng lại ở đó, Bác còn nêu ra nguyên tắc nền y học của ta phải là một nền y học mang tính khoa học. Theo Bác Hồ, bản thân y học là khoa học, hơn nữa là một khoa học về con người. Như vậy khi Bác Hồ nêu ra nguyên tắc khoa học, dân tộc, đại chúng tức là nền y học đó phải mang truyền thống của dân tộc kết hợp với tinh hoa của thời đại. Ở đây nhân tố dân tộc và nhân tố thời đại hòa quyện với nhau, bổ sung cho nhau thành một chỉnh thể thống nhất.

Nền y tế của chúng ta phải hướng về cơ sở, phải đặc biệt quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho toàn dân. Ở các vùng miền xuôi, chăm lo xây dựng các trạm y tế, nhanh chóng xóa bỏ tình trạng xã trắng về y tế, phấn đấu tuyến xã có bác sĩ. Ở các tỉnh miền núi, chăm lo đến y tế thôn bản, chăm lo đến sức khỏe gia đình. Mặt khác, nền y tế của chúng ta phải vươn tới xây dựng một nền y tế hiện đại, đào tạo được ngày càng nhiều các chuyên gia đầu đàn, nhanh chóng tiếp cận với trang thiết bị hiện đại, tập trung xây dựng những trung tâm y tế chuyên sâu. Như vậy là tính dân tộc, tính đại chúng và tính khoa học gắn bó chặt chẽ với nhau và là những phương hướng cơ bản, lâu dài của nền y tế nước ta.

Trong tư tưởng của Bác Hồ thể hiện rất rõ quan điểm xây dựng một nền y học trên cơ sở kết hợp đông y và tây y. Quan điểm này của Bác Hồ là xuất phát từ thực tiễn lịch sử Việt Nam. Bác nói: “Ông cha ta ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý hóa về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc” và Bác còn nói “Để mở rộng phạm vi y học, các cô, các chú cũng nên chú trọng nghiên cứu và phối hợp thuốc đông và thuốc tây”. Sở dĩ như vậy vì Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Thuốc tây chữa được nhiều bệnh, nhưng có bệnh chữa không được mà thuốc ta chữa được. Thuốc ta cũng chữa được nhiều bệnh nhưng có bệnh cũng không chữa được. Bên nào cũng có cái ưu điểm, hai cái ưu điểm cộng lại thì chữa bệnh tốt cho đồng bào, cho nhân dân, phục vụ cho xây dựng xã hội chủ nghĩa. Thầy thuốc tây phải học đông y, thầy thuốc ta cũng phải học thuốc tây... Thầy thuốc ta và thầy thuốc tây đều phục vụ nhân dân, như có hai tay cùng làm việc thì làm việc được tốt. Cho nên phải đoàn kết từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, đoàn kết thuốc ta và thuốc tây thành một khối để chữa bệnh cho đồng bào”.

Với cách nhìn nhận của Bác Hồ thì đông y và tây y không phải là hai mặt mâu thuẫn với nhau mà có sự thống nhất chặt chẽ với nhau, hỗ trợ cho nhau. Chúng ta quan niệm đầy đủ rằng phải kết hợp y dược học cổ truyền với y dược học hiện đại, phải hiện đại hóa y dược học cổ truyền nhưng không làm mất bản sắc y dược học dân tộc. Chúng ta luôn luôn ý thức y dược học cổ truyền là một thế mạnh của nước ta.

 Để xây dựng một nền y học hiện đại tiến kịp với nền y học nhân loại, chúng ta phải khai thác, phát huy sức mạnh của y dược học cổ truyền; khai thác, phát huy cái phong phú, cái tài tình, cái còn đang tiềm ẩn của y học cổ truyền.

Chúng ta biết rằng sử dụng dược liệu (cây thuốc) để chữa bệnh đã được ông cha ta áp dụng từ xa xưa. Và cho đến tận ngày nay, khi y học hiện đại phát triển vượt bậc thì các cây dược liệu vẫn còn được sử dụng phổ biến và là nguyên liệu gốc của nhiều loại thuốc hay thực phẩm chức năng.   

Theo Tổ chức Y tế thế giới, có đến 80% dân số ở các nước đang phát triển vẫn còn chữa bệnh bằng những loại cây có sẵn trong tự nhiên. Và hiện nay, xu thế chung của toàn cầu là dùng những loại thuốc điều trị bệnh có nguồn gốc thảo dược, thành phần từ tự nhiên để đảm bảo tính an toàn. Theo thống kê, cả nước có khoảng 6000 loài thảo dược, có thể phục vụ chữa nhiều bệnh khác nhau. Nhưng do khai thác liên tục và không chú ý đến việc tái sinh, cho nên nguồn dược liệu trong nước hiện tại chỉ có thể đáp ứng được 10-20%  nhu cầu sử dụng của người dân, số còn lại chủ yếu phải nhập khẩu từ Trung Quốc.

Với những định hướng như vậy, hy vọng nền y học nước nhà sẽ đáp ứng được mong mỏi của chủ tịch Hồ chí Minh lúc sinh thời và khai thác được tiềm năng về nguồn dược liệu quý giá trong nước./.

Tài liệu tham khảo:

1-Tư tưởng Hồ Chí Minh toàn tập NXB Chính trị quốc Gia, HN,2017

2- Dự án bảo tồn và phát triển cây dược liệu năm 2018

3- Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (GS- TS Đỗ Tất Lợi)

Bài Thạc sỹ Lê Thị Thảo - Đại học Dược Hà Nội

Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 3 ra tháng 6 năm 2018

Tin khác

Chung nhan Tin Nhiem Mang

SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH HẢI DƯƠNG

Trưởng Ban biên tập: Ths. Phạm Văn Mạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương

Giấy phép số: 01/GP-STTTT do Sở TT&TT cấp ngày 29/06/2015.

Địa chỉ: Số 209 Nguyễn Lương Bằng - TP. Hải Dương - tỉnh Hải Dương.

Điện thoại: 0220. 3892436 - Email: sokhcn@haiduong.gov.vn

Website Sử dụng Portal mã nguồn mở Joomla 3.4, theo Luật bản quyền GNU/GPL.